Nước ối là bộ phận quan trọng đối với cả thai nhi và mẹ bầu. Một trong những tình trạng mà thai phụ thường gặp với ối là dư ối. Vậy dư ối có gây nguy hiểm gì với bà bầu không? Thai phụ cần làm gì khi bị dư ối? Bài viết sau sẽ cung cấp các kiến thức cần thiết cho mẹ bầu.
Dư ối là gì?
Ối là phần bao bọc xung quanh thai nhi khi còn trong tử cung của mẹ. Nước ối có vai trò quan trọng vì là môi trường dinh dưỡng và phát triển cho thai nhi. Ngoài ra, màng ối còn có chức năng chống va đập hay nhiễm trùng do tác nhân bên ngoài. Thông thường, lượng nước ối sẽ thay đổi cho phù hợp với quá trình phát triển của bé, cụ thể:
- Thai nhi được 16 - 32 tuần tuổi: 250 - 600mL.
- Thai nhi được 34-36 tuần tuổi: 800mL - 1000mL.
- Từ tuần 37 trở đi: 600 - 800mL.
Khi lượng nước ối tăng lên khoảng 1000 - 1500 mL thì được xem là dư ối, nếu vượt quá 2000 mL thì được gọi là đa ối.
Tác hại của dư ối
Tùy vào tình trạng mà dư ối có thể gây hại đến thai phụ và thai nhi:
Dư ối cấp
Dư ối cấp thường diễn ra trong tam cá nguyệt thứ 2, cũng là loại dư ối nguy hiểm với mẹ và thai nhi nhất:
- Đối với thai phụ: Nước ối quá nhiều gây sức ép lên nhau thai bám vào thành tử cung. Dư ối cấp làm tăng khả năng bong nhau non, chảy máu tử cung ở thai phụ.
- Đối với thai nhi: Đa ối dễ làm vỡ màng ối khiến thai nhi bị dị tật và tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu. Khi ối vỡ, dễ khiến dây rốn sa xuống cổ tử cung (sa dây rốn).
Dư ối mạn
Dư ối mạn thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 3, chiếm tỷ lệ 95% các trường hợp mắc dư ối.
- Đối với thai phụ: Nặng bụng, tim đập nhanh, khó thở.
- Đối với thai nhi: Nước ối quá nhiều sẽ chèn ép ngược lại thai nhi, khiến thai nhi phát. triển dị dạng và nhẹ cân hơn bình thường. Ngoài ra, vì màng ối rộng nên thai nhi có thể xoay chuyển, dẫn đến tình trạng ngôi thai bị ngược.
Nguyên nhân gây ra dư ối mang thai
Dư ối khi mang thai có thể xuất phát từ các bất thường ở cả mẹ và bé.
Do người mẹ
Thai phụ dễ mắc phải tình trạng dư ối khi:
- Mắc các bệnh: Đái tháo đường, tiểu đường khi mang thai.
- Mang đa thai.
- Có các kháng thể bất thường (như kháng thể Rh).
Do thai nhi
Dịch ối được hấp thụ vào cơ thể thai nhi thông qua việc nuốt và thải của bé. Do vậy, nếu lượng ối tăng cao thì rất có thể là do thai nhi mắc phải:
- Dị tật bẩm sinh liên quan tới hệ thần kinh và tiêu hóa: Não úng thủy, môi sứt... khiến việc nuốt ối ngừng lại trong khi đường bài tiết vẫn hoạt động.
- Đột biến nhiễm sắc thể.
- Hội chứng truyền máu song thai ở đa thai.
Điều trị dư ối khi mang thai
Tùy theo tình trạng dư ối mà bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp:
- Dư ối nhẹ: Sử dụng thuốc giúp đào thải bớt lượng ối (thuốc lợi tiểu).
- Dư ối nặng: Cần chọc hút ối, hoặc dùng thuốc ngưng sản xuất ối đối với thai nhi dưới 32 tuần tuổi. Nếu tình huống trở nặng và nguy hiểm, thai phụ có thể phải tiến hành sinh mổ ngay lập tức.
- Thai phụ cũng cần chủ động ngăn ngừa tình trạng dư ối, đa ối bằng cách: Ăn uống hợp lý, cân bằng giữa protein và các rau củ quả nhiều nước; thường xuyên thăm khám thai; đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện bất thường (đau, tức bụng, mệt mỏi...).
Dư ối và đa ối là tình trạng dễ gặp phải ở các bà bầu. Dư ối nếu để lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu. Mẹ bầu cần chủ động phòng tránh và thăm khám thai nhi để phòng ngừa tình trạng xấu nhất.
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí