Bên cạnh niềm hạnh phúc, hành trình mang thai còn đem tới rất nhiều sự thay đổi về sức khỏe cho mẹ bầu. Trong đó, đau nửa đầu là một triệu chứng mà các mẹ thường xuyên gặp phải. Vậy đây chỉ là hiện tượng thai kỳ thông thường hay có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm? Hãy đọc kỹ bài viết dưới đây để có câu trả lời cho mình mẹ nhé!
Triệu chứng đau nửa đầu thường xuất hiện vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này khi mang thai. Một trong những lý do chính là bởi sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ và sự sụt giảm lượng estrogen trong máu, gây áp lực thành mạch máu tăng cao.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt chưa khoa học và môi trường sống nhiều tiếng ồn cũng là những nguyên nhân khiến mẹ bầu mệt mỏi, căng thẳng, ức chế thần kinh, đau nửa đầu. Đặc biệt, mẹ cũng cần lưu ý bởi đau đầu trong nhiều trường hợp còn là dấu hiệu của bệnh lý tiền sản giật vô cùng nguy hiểm.
Đây là hiện tượng thai kỳ bình thường và sẽ hết sau khoảng 5 ngày đến 1 tuần. Tuy nhiên nó cũng khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, khó ngủ, ăn không ngon miệng. Từ đó sức khỏe, sự phát triển của thai nhi sẽ bị ảnh hưởng theo bởi cơ thể mẹ và bé luôn có sự gắn kết đặc biệt.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng trong việc quan sát, lắng nghe cơ thể mình. Nếu cảm thấy đau dữ dội trong thời gian kéo dài từ 2 đến 3 tuần hoặc đi kèm một số triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, sưng phù chân, thay đổi khả năng thị giác, mẹ cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị dứt điểm.
Khi mang thai, nếu gặp tình trạng này, mẹ đừng quá lo lắng vì có rất nhiều biện pháp giúp mẹ giảm đau nửa đầu và hạn chế được những ảnh hưởng tới sức khỏe của hai mẹ con.
Khi bị đau nửa đầu, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp mẹ giảm mệt mỏi, căng thẳng. Mẹ nên ngủ đủ giấc từ 7 đến 10 tiếng mỗi ngày trong một môi trường yên tĩnh, có nhiệt độ phù hợp.
Hạ đường huyết là một trong những nguyên nhân khiến mẹ gặp phải tình trạng này. Vì vậy, mẹ cần ăn đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng và nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, không để bị đói.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung đủ lượng nước hằng ngày. Mẹ có thể uống nước lọc, nước ép trái cây tươi và lưu ý tránh các loại đồ uống có ga, nước ngọt đóng chai.
Nếu đau nửa đầu do căng thẳng thần kinh, mẹ nên đắp lên trán một chiếc khăn mát. Ngược lại, nếu đau đầu do viêm xoang, hãy sử dụng khăn ấm chườm quanh khu vực mắt mũi. Mẹ sẽ rất ngạc nhiên với hiệu quả giảm đau của việc làm này đấy.
Việc tắm và ngâm mình bằng nước ấm sẽ giúp mẹ dễ chịu, bớt căng thẳng. Ngoài ra, mẹ có thể thêm một vài giọt tinh dầu có chiết xuất từ thiên nhiên để cảm thấy thư thái hơn. Tuy nhiên, không gian phòng tắm không quá rộng, cộng thêm nhiệt độ nước khiến các mao mạch giãn nở, lượng máu lên não không đủ dễ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, mẹ cần lưu ý chỉ nên tắm tối đa 15 phút mỗi ngày.
Tập thể dục nhẹ nhàng, đúng cách bằng một số bộ môn như yoga, ngồi thiền là biện pháp hữu hiệu giúp mẹ bầu thư giãn, cải thiện sức khỏe khi bị đau đầu.
Ngoài ra, massage nhẹ nhàng, đúng cách vùng đầu bị đau, vai gáy và gan bàn chân cũng giúp mẹ lưu thông máu, giảm đau. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp massage được hướng dẫn chi tiết trên internet hoặc trong sách. Mẹ có thể tìm đến các spa uy tín hoặc nhờ sự hỗ trợ từ ông xã. Vừa giảm mệt mỏi, vừa là cơ hội để vợ chồng gần gũi, thấu hiểu nhau hơn phải không nào?
Đây là phương pháp giúp giảm đau nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng, biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.
Hi vọng những kiến thức bổ ích trên đây sẽ giúp các mẹ cảm thấy an tâm và biết cách xử trí khi gặp hiện tượng đau nửa đầu. Chúc các mẹ có một thai kỳ thật mạnh khỏe và bình an để sẵn sàng đón chào con yêu ra đời!
#tamcanguyet3
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí