Mang thai là một hành trình dài đầy ắp niềm vui nhưng cũng có biết bao thử thách đối với sức khỏe mẹ bầu. Trong đó, giãn tĩnh mạch là một hiện tượng tương đối phổ biến, khiến các mẹ không khỏi lo lắng, băn khoăn. Vậy vì sao phụ nữ thường gặp tình trạng trên trong thai kỳ và làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải? Hãy đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời cho mình mẹ nhé!
Biểu hiện và nguyên nhân của giãn tĩnh mạch khi mang thai
Biểu hiện
Mẹ bầu được chẩn đoán mắc chứng giãn tĩnh mạch khi trên da xuất hiện những đường mạch máu màu xanh, tím chằng chịt, nổi gồ và ngoằn ngoèo như đường gân. Hiện tượng này thường thấy trên bắp chân hoặc trong một số trường hợp, còn xuất hiện ở cả âm hộ hoặc trực tràng của mẹ. Theo nghiên cứu, có đến 50% mẹ bầu bị phù cổ chân, cẳng chân và khoảng 20% bị giãn tĩnh mạch âm đạo. Giãn tĩnh mạch sẽ đem lại cảm giác khó chịu cho phụ nữ mang thai bởi đi kèm với nó là triệu chứng đau nhức, nặng nề ở những khu vực bị tổn thương.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây ra chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai có thể kể đến là:
- Di truyền hoặc tiền sử bệnh lý: Nếu trong gia đình cũng có người bị suy giãn tĩnh mạch hoặc mẹ bầu từng gặp bệnh lý này trong lần mang thai trước thì nguy cơ lặp lại sẽ tăng cao. Thậm chí bệnh thường sẽ tiến triển nặng lên sau mỗi lần mang thai và khi thai phụ lớn tuổi hơn.
- Thay đổi hormone: Hormone sinh dục nữ (progesterone) tăng lên trong thai kỳ làm giãn, sưng các tĩnh mạch với hai dạng thường thấy là tĩnh mạch hình sợi hoặc mạng nhện.
- Các tĩnh mạch bị chèn ép: Thai nhi càng phát triển, tử cung càng lớn lên, tăng áp lực cho tĩnh mạch chân và làm giảm lưu thông máu.
- Thay đổi lượng máu: Cơ thể người mẹ cần tăng lưu lượng máu để nuôi dưỡng em bé, dẫn đến tạo thêm gánh nặng cho các tĩnh mạch chân.
- Mẹ bầu bị thừa cân, đa thai hoặc phải đi lại nhiều, đứng lâu do tính chất công việc.
Ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch đối với sức khỏe mẹ và bé
Mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm vì suy giãn tĩnh mạch là một hiện tượng thai kỳ thông thường, không gây ảnh hưởng đáng kể tới mẹ và bé. Cảm giác khó chịu, ngứa, đau nhức do những vết lằn mất thẩm mỹ mang lại chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và sẽ hết sau khi con yêu chào đời.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần theo dõi sát sao những thay đổi của cơ thể mình vì trong một số trường hợp, hiện tượng này có thể phát triển thành biến chứng gây ra những tác động lớn tới sức khỏe:
- Suy giãn tĩnh mạch trở thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt. Huyết khối lớn khiến khu vực xung quanh trở nên sưng đỏ, nóng và đau. Đặc biệt, huyết khối nặng còn có thể gây nhiễm trùng, làm mẹ bầu bị sốt, sưng phù chân, loét và biến đổi màu sắc da. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, mẹ cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
- Cần phân biệt huyết khối tĩnh mạch bề mặt và huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Đây là bệnh lý thường gặp ở những phụ nữ bị rối loạn đông máu, ung thư hoặc sau phẫu thuật, sau chấn thương. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bị vỡ, gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ giãn tĩnh mạch khi mang thai
Hiện tượng giãn tĩnh mạch khi mang thai hoàn toàn có thể ngăn ngừa khi mẹ lưu ý, thực hiện những biện pháp sau:
- Kiểm soát tốt cân nặng: Mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để không tăng cân quá nhiều hoặc quá nhanh trong suốt thai kỳ.
- Có tư thế ngồi phù hợp: Khi làm việc, mẹ nên gác chân trên một chiếc bục hoặc ghế thấp, bàn chân được nâng lên. Ngoài ra, mẹ cũng không nên ngồi bắt chéo chân bởi đó là tư thế khiến việc lưu thông máu trở nên khó khăn hơn.
- Có tư thế nằm đúng: Mẹ nên nằm nghiêng sang trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch, máu huyết lưu thông thuận lợi.
- Chăm chỉ vận động nhẹ nhàng: Để máu huyết lưu thông, mẹ không nên đứng, ngồi hoặc nằm một chỗ quá lâu. Mẹ có thể cài đặt những mốc thời gian cố định trong ngày để nhắc nhở bản thân đứng dậy đi lại xung quanh, tập các bài thể dục thích hợp. Mẹ sẽ thấy cơ thể được thư giãn và thoải mái hơn rất nhiều đấy.
- Có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin: Vitamin C là nguyên liệu cơ thể sử dụng để sản xuất collagen và elastin giúp sửa chữa, duy trì sức bền của thành mạch máu, giữ hệ tĩnh mạch khỏe mạnh.
Hi vọng với những kiến thức hữu ích trên đây, mẹ bầu đã an tâm để có phương án xử lý thích hợp khi gặp phải hiện tượng suy giãn tĩnh mạch. Chúc mẹ luôn mạnh khỏe, yên vui để chờ đón thiên thần nhỏ của mình ra đời nhé!
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí