Đối với mẹ bầu thai một, các chế độ khám hay cân bằng dinh dưỡng cơ thể luôn được lên kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo. Còn với mẹ bầu mang đa thai, sự chăm sóc ấy cần cẩn trọng gấp đôi để đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và các thai nhi trong bụng. Vậy trong thai kỳ, mẹ bầu đa thai cần có sự chăm sóc khác biệt như thế nào? Hãy cùng chuyên gia tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Ngay khi có kết quả xác nhận mang đa thai, mẹ bầu cần lên kế hoạch nghỉ ngơi nhiều hơn cho mình. Bởi trong thai kỳ, rất có thể mẹ sẽ phải đối mặt với những cơn ốm nghén dai dẳng, triệu chứng nặng hơn so với các mẹ thai một. Lúc ấy cơ thể mẹ mệt mỏi và yếu ớt, việc cố gắng hoàn thành một công việc nào đó mà bỏ qua tình trạng sức khỏe là điều không nên.
Mẹ có thể giảm bớt khối lượng công việc của mình, nhờ một số đồng nghiệp thân cận hoặc những người thân trong gia đình hỗ trợ. Mẹ bầu nên dành nhiều thời gian hơn cho việc thư giãn như nghe nhạc, xem phim, đọc sách…
Thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp sức khỏe của mẹ tốt hơn, tạo hiệu ứng tích cực cho sự phát triển của thai nhi. Hạn chế những cảm xúc tiêu cực, lo lắng, căng thẳng.
Khi mang thai, mẹ có thể sẽ ăn nhiều hơn và việc tăng cân là điều tất yếu sẽ xảy ra. Tuy nhiên mẹ bầu mang thai đôi thông thường sẽ tăng cân nhiều hơn, nhanh hơn. Nếu không kiểm soát kịp thời, mẹ dễ bị thừa cân, từ đó tăng nguy cơ sinh non, sinh con to.
Các chuyên gia khuyến cáo lượng tăng cân trung bình của mẹ mang thai đôi nên ở khoảng từ 13,5kg đến 16kg. Nếu mẹ sinh ba sẽ khoảng từ 15,5kg đến 19kg. Chính vì thế, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng là điều cần thiết ngay từ tam cá nguyệt thứ nhất.
Khẩu phần ăn hằng ngày của mẹ nên được thay đổi thường xuyên và đảm bảo khoảng 2400 Kcal/ngày nếu mẹ mang thai đôi, khoảng 2700 Kcal/ngày nếu mẹ mang thai ba. Và cần đáp ứng đủ: Protein, sắt, canxi, vitamin và khoáng chất…
Protein đặc biệt quan trọng với mẹ đa thai. Bổ sung nhiều protein có thể giúp mẹ bầu ngăn ngừa tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ và sinh non. Một số thực phẩm giàu protein là thịt lợn, thịt gà, thịt bò, sữa tươi…
Mẹ mang đa thai rất dễ thiếu máu. Vì vậy mẹ nên bổ sung sắt thông qua thịt đỏ, trái cây khô, sữa chua, hoa quả chua, các loại thực phẩm chức năng sau khi đã tham khảo lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên mẹ cần chú ý nếu nạp dư thừa sắt sẽ gây táo bón, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể và tăng cường rau xanh, trái cây là điều mẹ nên làm để có thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế tình trạng ốm nghén, mệt mỏi.
Mẹ cần đi siêu âm định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để biết chính xác vị trí của các bé trong tử cung, quá trình phát triển và lớn lên của thai nhi cùng những bất thường nếu có để được kịp thời điều trị.
Mẹ chú ý thường xuyên đo huyết áp và thử nước tiểu bởi vì những bà mẹ mang đa thai có nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật hay tiểu đường thai kỳ hơn các thai phụ khác. Những dấu hiệu nguy hiểm có thể diễn ra ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ vậy nên mẹ cần cảnh giác bởi các nguy cơ biến chứng đối với mẹ đa thai luôn cao hơn so với các thai phụ bình thường.
Trên đây là một số lưu ý của chuyên gia trong việc chăm sóc mẹ bầu đa thai để đảm bảo thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Điều quan trọng nhất mẹ nên giữ tinh thần thoải mái, tự tạo cho mình lối sống lành mạnh, thư thái. Chúc ba mẹ sớm đón các con yêu!
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí