Khi mẹ thụ thai thành công, cơ thể sẽ có những thay đổi mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu tiên của thai kỳ. Sau đây là 8 dấu hiệu mang thai sớm nhất, nếu ba mẹ mong con thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Trễ kinh
Nếu mẹ có chu kỳ kinh nguyệt đều, hãy thử que thử thai trong trường hợp thấy trễ khoảng 7 ngày so với dự kiến. Còn nếu mẹ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, mẹ có thể tự kiểm tra tình trạng thụ thai của mình thông qua những biểu hiện như tức ngực, buồn nôn, mệt mỏi, tiểu nhiều…
Chảy máu âm đạo
Hiện tượng chảy máu âm đạo nhẹ hoặc lấm tấm là dấu hiệu mang thai sớm ở phụ nữ, còn được gọi là máu báo thai. Nhiều người nhầm lẫn giữa máu báo thai và kinh nguyệt hàng tháng. Tuy nhiên, máu báo thai chỉ chảy ra một lượng nhỏ, màu hồng nhạt, xuất hiện dưới dạng đốm máu ở âm đạo chứ không ra rỉ ra nhiều ngày như kỳ kinh nguyệt.
Ra máu trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên là điều hoàn toàn bình thường, thường xảy ra ở nhiều phụ nữ. Tuy nhiên nó cũng có thể là dấu hiệu của trường hợp sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Nếu mẹ bị chảy máu âm đạo nhiều kèm những cơn đau dữ dội, hãy tới gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị.
Thường xuyên đi tiểu
Sự thay đổi về nội tiết tố dẫn đến việc thúc đẩy tốc độ lưu thông máu qua thận, từ đó bàng quang của mẹ có xu hướng đầy nhanh hơn. Đồng thời sự phát triển của thai nhi có thể gây chèn ép lên bàng quang của mẹ, vì vậy nếu mẹ có thai, mẹ sẽ đi tiểu nhiều hơn thông thường.
Mệt mỏi
Sự gia tăng nhanh chóng của hormone thai kỳ khiến mẹ có sự thay đổi lớn trong cơ thể và sinh hoạt. Ốm nghén, tiểu đêm, tình trạng buồn ngủ, ngái ngủ diễn ra thường xuyên khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Qua kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, mọi chuyện sẽ ổn hơn, mẹ sẽ có nhiều năng lượng tích cực để hoạt động và tận hưởng thai kỳ.
Đau ngực
Lượng hormone tăng cao cũng khiến mẹ gặp phải tình trạng sưng, tức, đau ở ngực. Cảm giác này khá giống như cơn đau trước kỳ kinh nguyệt nên nhiều mẹ có thể không nhận ra rằng mình đã có bầu. Cảm giác khó chịu này sẽ giảm đi sau 3 tháng đầu mang thai.
Buồn nôn
Buồn nôn là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang bầu, xuất phát từ sự tăng sinh nhanh chóng của hormone thai kỳ. Mẹ có thể cảm thấy không muốn ăn uống bất cứ thứ gì hoặc buồn nôn mọi lúc mọi nơi khi ngửi thấy mùi đồ ăn. Mẹ yên tâm, tình trạng nghén ngẩm sẽ giảm khi bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ.
Cảm giác buồn nôn không phải vấn đề quá nghiêm trọng, tuy nhiên sẽ gây mệt mỏi cho mẹ. Mẹ có thể sử dụng phương pháp sau: chia thành nhiều bữa hơn, mỗi bữa bổ sung một lượng ít đồ ăn để đảm bảo sức khỏe. Hơn nữa, những thực phẩm dễ tiêu hóa chính là lựa chọn hoàn hảo cho thời điểm này. Tránh đồ dầu mỡ, mùi nặng, tanh, gây cảm giác ngấy...
Thay đổi tâm trạng
Mẹ bầu ở giai đoạn đầu thường có tính cách “Sớm nắng - Chiều mưa”. Nhưng điều đó cũng là do sự thay đổi nội tiết từ bên trong cơ thể là yếu tố làm ảnh hưởng đáng kể đến chất dẫn truyền thần kinh nên có thể thấy tâm trạng mẹ mang thai cũng thay đổi thất thường.
Đây là tình trạng tâm sinh lý khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thường xuyên có cảm xúc cực đoan và có ý định làm tổn hại đến bản thân thì hãy tới bác sĩ kiểm tra để điều trị kịp thời.
Táo bón
Táo bón có thể sẽ là dấu mốc đầu tiên mà mẹ nhận thấy rõ rệt khi thụ thai thành công. Tình trạng này xảy ra xuất phát từ sự gia tăng của hormone progesterone hỗ trọ thư giãn các cơ quan, trong đó bao gồm cả đường tiêu hóa. Thức ăn đi qua ruột sẽ bị chậm hơn so với thông thường, từ đó dẫn đến tình trạng táo bón.
Hy vọng bài viết trên đây giúp ba mẹ có thêm kiến thức để nhận biết các biểu hiện thường thấy khi mang thai. Nếu mẹ có đầy đủ những biểu hiện trên, hãy nhanh chóng tới bác sĩ kiểm tra, vì rất có thể gia đình mình đã có thêm một thành viên mới rồi đó!
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí