Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có nguồn gốc từ Nhật Bản, được nhiều ba mẹ áp dụng vì những ích lợi tuyệt vời trong việc giúp trẻ rèn luyện các kĩ năng ăn uống lành mạnh và nếp sinh hoạt khoa học. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ băn khoăn trong việc lựa chọn thực đơn, làm sao để vừa đủ chất mà vẫn kích thích tốt nhu cầu ăn uống của các con đây? Đừng lo lắng, hãy tham khảo ngay gợi ý thực đơn ăn dặm trong từng giai đoạn ăn dặm sau đây để có sự lựa chọn thích hợp nhất cho em bé ba mẹ nhé!
Khi bé mới bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 bữa ăn dặm/ngày. Mục đích là để cho bé làm quen với thức ăn khác ngoài sữa và tập phản xạ nuốt thức ăn. Tuy nhiên, sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé trong giai đoạn này, mẹ cần cho bé bú từ 4 đến 5 bữa sữa/ngày.
Lượng thức ăn cần nạp cho bé trong giai đoạn này tăng dần theo ngày: Cháo từ 5 đến 30g, rau củ quả từ 5 đến 20g. Với cháo trắng, mẹ nên nấu theo tỷ lệ 1 gạo: 10 nước, lưu ý không nêm gia vị vào món ăn của bé.
Từ 1 đến 2 tuần tiếp theo, bữa ăn của bé phải có đầy đủ 3 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột (gạo, mì, ...), chất đạm (thịt, cá, đậu, …), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả). Các loại rau củ mà mẹ có thể cho bé ăn là cà rốt, bí đỏ, khoai tây, bông cải, khoai lang… được hấp hoặc luộc chín, sau đó rây mịn. Để bổ sung chất đạm mẹ chú ý sử dụng các loại cá thịt trắng (cá lóc, cá điêu hồng, cá rô), thịt gà… để tránh dị ứng cho con. Thịt, cá được xay nhỏ, nấu chung cùng với cháo. Các món hoa quả tráng miệng mẹ có thể bổ sung cho bé các loại như bơ, chuối, táo… Hãy nhớ nghiền nhuyễn trước khi cho bé tập ăn.
Với các bé từ 7 đến 8 tháng, các món ăn cho bé sẽ có độ thô hơn so với thời gian trước. Lúc này, bé đã quen thuộc với nhiều loại thực phẩm nên mẹ cần tập trung cho con làm quen với thức ăn hỗn hợp. Song song với việc ăn sữa, mẹ nên cho bé ăn 2 bữa ăn dặm mỗi ngày.
Ngoài các loại rau củ được sử dụng trong giai đoạn trước, mẹ có thể bổ sung thêm vào thực đơn cho bé các nguyên liệu như cà chua, bắp cải, cải bó xôi, rau dền... Bên cạnh đó, mẹ hãy cắt nhỏ các loại thức ăn giàu đạm như thịt nạc, cá để bé tập nhai. Để phòng trường hợp bé có thể bị dị ứng thức ăn, mẹ nhớ cho bé thử từng chút trước đã nhé.
Các bé ở giai đoạn từ 9 đến 12 tháng đã ăn dặm thành thạo, bởi vậy mẹ có thể cho bé ăn cháo hạt vỡ hoặc cơm nát để kích thích khả năng nhai. Nếu muốn làm cho món ăn thơm ngon hơn, mẹ có thể dùng một chút gia vị để kích thích vị giác trẻ, tuy nhiên hãy lưu ý sử dụng thật hạn chế để không gây hại cho dạ dày của bé.
Giai đoạn này, tần suất bữa ăn của bé có thể đẩy lên 3 bữa/ngày. Thực đơn ăn dặm của bé mẹ vẫn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Các loại rau củ, quả cung cấp vitamin được hấp hoặc luộc chín, cắt thành thanh dài cho bé tập nhai. Mẹ sử dụng thịt heo, thịt bò, tôm… được hấp chín rồi giã nhỏ để cung cấp đạm cho bé. Để bổ sung tinh bột cho con, mẹ có thể nấu cháo theo tỷ lệ 10g gạo - 50ml nước, thêm một chút dầu ăn cho dậy mùi.
Với các bé từ một tuổi trở nên, chức năng nhai nuốt của con đã phát triển hoàn thiện, vì vậy mẹ có thể dễ dàng phối hợp các nguyên liệu khác nhau để lên thực đơn hấp dẫn, đa dạng, đủ chất cho bé. Ngoài ra, trong giai đoạn này con đã có khả năng cầm nắm thức ăn thuần thục, vì vậy mẹ hãy cho bé dùng thìa tự xúc ăn. Với các bé đã cai sữa mẹ, để đảm bảo bổ sung đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển của bé, ngoài 3 bữa ăn dặm chính, mẹ nhớ cho bé ăn thêm 2 cữ ăn phụ/ngày và 1- 2 bữa sữa công thức.
Bằng việc tham khảo những gợi ý trên đây, mẹ hoàn toàn có thể tự tin xây dựng nhiều thực đơn ăn dặm kiểu Nhật phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Chúc mẹ thành công khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con yêu!
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí