Trang tin tức cung cấp những kiến thức bổ ích về mẹ và bé
Các giai đoạn phát triển kỹ năng ăn dặm của bé mẹ nên biết
11/02/2022

Sau 1 tuổi, bé có thể ăn các món thực phẩm đủ mọi kích cỡ, hình dáng, cách chế biến. Do đó, việc tập cho bé cách ăn dặm từ 6 tháng tuổi là điều cần thiết, giúp bé điều có thời gian luyện tập, từ từ tiếp nhận các loại thức ăn thô ngoài sữa mẹ. Vậy bé sẽ có những giai đoạn phát triển kỹ năng ăn dặm nào, các mẹ cùng tham khảo một số thông tin như sau.

Các bé sẽ mất từ 1-3 tháng để bắt đầu học các kỹ năng ăn dặm. Tùy thuộc vào từng bé, sự phát triển các kỹ năng này có thể nhanh hay chậm. Một số bé có thể cần ít hơn 1-3 tháng để hoàn thiện, nhưng cũng có bé cần nhiều thời gian hơn.

1. Giai đoạn 1: Tập kỹ năng

Đây là giai đoạn đầu trong quá trình tập ăn, cả bé và mẹ sẽ gặp những điều mới lạ, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nếu giỏi quan sát và biết lắng nghe, mẹ có thể vượt qua giai đoạn này một cách thú vị, dễ dàng.

Giai đoạn tập kỹ năng, bé bắt đầu làm quen cách cầm nắm thức ăn

Thời điểm bắt đầu giai đoạn tập kỹ năng ăn dặm của bé là khi bé được 6 tháng tuổi. Lúc này bé đã có đủ điều kiện sẵn sàng để ăn dặm như:

  • Có thể ngồi vững, giữ thẳng đầu khi ngồi mà không cần quan sát hoặc ít cần sự trợ giúp từ người lớn.
  • Bé có thể với tay lấy đồ ăn đưa vào miệng một cách chính xác.
  • Bé bắt đầu có các biểu hiện gặm đồ chơi, nhai chúng.

Thông thường, giai đoạn tập kỹ năng sẽ kéo dài từ 1-3 tháng. Tuy nhiên mỗi bé sẽ có sự phát triển riêng nên sẽ khó có thể đưa ra một con số chính xác đến bao giờ bé sẽ chuyển sang giai đoạn mới. Trong giai đoạn tập kỹ năng này, bé sẽ bắt đầu làm quen với một số kỹ năng như:

Đôi tay: Thời gian đầu, bé có thể lóng ngóng trong việc cầm nắm thức ăn, nhất là khi gặp các loại thức ăn quá mềm, trơn. Mẹ có thể thấy bé đưa tay với lấy miếng thức ăn nhưng lại đẩy thức ăn ra xa hơn hay dùng tay bốc thức ăn nhưng lại nắm thật chặt và vô tình bóp nát thức ăn trước khi đưa được vào miệng.

Khả năng xử lý thức ăn: Ở giai đoạn đầu, bé cũng có thể gặp một số khó khăn khi đưa thức ăn vào miệng. Bé có thể đưa quá nhiều đồ ăn hoặc cắn miếng quá lớn. Điều này có thể khiến bé bị ọe, nôn thức ăn.

Khi đưa được thức ăn vào miệng, bé nào cũng sẽ nhai được thức ăn nhưng chưa chắc đã nuốt được ngay. Trong trường hợp này, bé sẽ nhè thức ăn ra bàn và tiếp tục lấy miếng thức ăn khác. Một số bé nhanh có thể nuốt được thức ăn trong những ngày đầu tập ăn dặm. Tuy nhiên, một số bé cũng cần 1-2 tuần hoặc thậm chí 1.5 tháng để học được kỹ năng này.

Hệ tiêu hóa: Ở giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé sẽ chưa quan ngay với thức ăn ngoài nên mẹ có thể thấy bé đi vệ sinh giống như những gì bé đã ăn. Các mẹ không cần quá lo lắng bởi theo thời gian, tình trạng này sẽ được cải thiện, hết giai đoạn 1, phân bé có thể mịn hơn, có mùi và bớt lổn nhổm hơn.

Khi cho bé tập ăn ở giai đoạn đầu, các mẹ nên cho bé ăn tối thiểu 500ml sữa/ ngày. Nếu bé có các dấu hiệu sau đây, có thể cần bổ sung nhiều hơn bởi bé vẫn chưa ăn đủ nhu cầu của mình:

Quấy khóc không phải do mọc răng hay bước vào giai đoạn tuần khủng hoảng.

  • Ngủ không tốt, mỗi giấc dưới 45 phút, hay đòi bú vặt nhưng chỉ bú 1 chút là nhả ra.
  • Bé mệt mỏi, người lừ đừ.
  • Nước tiểu có màu vàng đậm.

Ở giai đoạn này, mẹ nên nhớ sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính vì thế không cần quan tâm bé ăn dặm được bao nhiêu. Thay vì tập trung vào lượng thức ăn cho bé, mẹ nên chú trọng rèn cho bé các kỹ năng tập ăn.

2. Giai đoạn 2: Phát triển kỹ năng

Giai đoạn 2 là quá trình bé hoàn thiện các kỹ năng bốc nhón, tập dùng ăn bằng thìa. Giai đoạn này thường bắt đầu khi bé bước vào tháng thứ 9 trở đi. Lúc này, bé sẽ có các biểu hiện như:

  • Bốc nhón thành thạo, có thể nhai, nuốt và xử lý tốt các loại thức ăn nhỏ mà không gặp khó khăn gì.
  • Bé có thể chán ăn, bước vào giai đoạn ăn nhai nhả từ 1-2 tuần hoặc có các biểu hiện chống đối như đòi ra khỏi ghế khi ăn.

Giai đoạn 2 bé sẽ bắt đầu phát triển các kỹ năng bốc nhón thức ăn

Trong giai đoạn 2 này, bé cũng sẽ phát triển và hoàn thiện một số kỹ năng như sau:

Đôi tay: Lúc bắt đầu, bé có thể ném bát, chơi với bát và thìa. Sau đó, bé sẽ bắt đầu bắt chước người lớn đưa thìa vào miệng trước khi biết xúc hoặc có thể xúc thức ăn nhưng lúng túng trong việc đưa thức ăn vào miệng. Sau khi luyện tập, bé có thể xúc ít rơi vãi và đưa vào miệng chính xác. Lúc này cổ tay của bé cũng đủ mạnh để đảm bảo thức ăn không bị rơi khi di chuyển. Ngoài ra, ở giai đoạn này, bé cũng bắt đầu biết cách dùng nĩa, ống hút, cầm cốc uống.

Khả năng xử lý thức ăn: Mặc dù có thể xử lý các loại thức ăn nhỏ hiệu quả nhưng với một số loại thực phẩm nhất định như nho, dưa hấu... mẹ cần bỏ hạt và cắt nhỏ cho bé. Từ tháng 11 trở đi, bé sẽ có hiện tượng nhai nhả kéo dài 1 tuần - 1 vài tháng. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn này, kỹ năng xử lý thức ăn của bé sẽ tiến bộ vượt bậc, ít khi bị nôn, trớ khi ăn.

Nếu học các dùng ống hút từ 6 hoặc 9 tháng tuổi thì đến giai đoạn 2 này bé có thể sử dụng ống hút thành thao. Đây cũng là lúc bé luyện kỹ năng tự húp, có thể điều chỉnh lượng thức ăn đưa vào miệng mà không cần mẹ trợ giúp. Tuy nhiên, lúc mới bắt đầu húp, một số bé có thể bị sặc do húp quá nhiều. Mẹ không cần quá lo lắng bởi sau khi tập luyện, rút kinh nghiệm, bé sẽ thành thạo và chuyên nghiệp hơn.

Hệ tiêu hóa: Ở giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé đã hoàn thiện dần. Đến cuối giai đoạn, phân bé có thể thành khuôn, có mùi nồng, nhuyễn mịn và chỉ có ít lợn cợn của thức ăn.

Vậy giai đoạn phát triển kỹ năng mẹ cần cho bé ăn bao nhiêu thì đủ? Nếu không thấy bé có các dấu hiệu này, mẹ có thể yên tâm bé đã ăn đủ so với nhu cầu của mình:

  • Bé quấy khóc nhưng không phải do ốm hay mọc răng.
  • Bé ngủ không ngủ tốt, thường có các giấc ngủ ngắn (cat nap) hay đòi bú vặt nhưng mỗi lần bú không nhiều.
  • Bé mệt mỏi, người lờ đờ.
  • Bé đi tiểu ít, nước tiểu sậm màu.

3. Giai đoạn 3: Hoàn thiện kỹ năng

Ở một số bé, giai đoạn hoàn thiện kỹ năng có thể bắt đầu từ tháng thứ 15. Tuy nhiên, thông thường, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi bé được 18 tháng tuổi. Lúc này, các bé có thể hoàn thiện và phát triển gần hết các kỹ năng ăn dặm cần thiết.

Giai đoạn hoàn thiện kỹ năng bé ăn uống thành thạo

Đôi tay: Bé có thể dùng thìa một cách thành thạo, xúc được hầu hết các loại thức ăn từ các món kết cấu lỏng, sệt tới khô, rắn với các kích cỡ từ nhỏ tới to. Kỹ năng xúc của bé cũng hoàn thiện dần, bé xúc gọn gàng, gần như không bị đổ ra ngoài. Bé cũng có thể sử dụng được nhiều loại thìa khác nhau từ thìa mềm, nhỏ tới các loại thìa lớn, thìa múc canh. Ngoài ra, bé còn có thể bóc vỏ trái cây hoặc trứng.

Kỹ năng xử lý thức ăn: Khi tới giai đoạn hoàn thiện kỹ năng, bé có thể dùng thìa, dĩa để tự cắt thức ăn của chính mình và có thể ăn được gần hết thức ăn như người lớn. Ở giai đoạn này, bé ăn chậm, nhai kỹ, có thể nhằn các loại thực phẩm như xương cá, trái cây và ít kén chọn thực phẩm.

Các bé cũng có thể ăn với lượng ổn định hơn mặc dù không phải lúc nào cũng giữ được "phong độ" của mình. Nếu vào các thời kỳ "khó ở", bé cũng có thể biếng ăn, bị ốm hoặc ăn ít hơn bình thường hay bỏ ăn. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài, sau khi trở lại bình thường, bé có thể ăn ngoan và thậm chí nhiều hơn trước.

Hệ tiêu hóa: Phân của bé tới giai đoạn này đã nhuyễn, mịn hơn. Mẹ có thể thấy các dấu vết bã thức ăn nhiều xơ như hạt ngô, tép bưởi... Phân của bé cũng đã tương đối giống người lớn. Nếu bé có chế độ ăn uống hợp lý, nhiều chất xơ, việc, tiểu tiện, đại tiện của bé sẽ diễn ra đều đặt.

Ngoài ra, khi tới giai đoạn ăn dặm thứ 3, bé cũng sẽ có thái độ nghiêm túc hơn, luôn tự yêu cầu được ngồi vào bàn ăn và muốn tự xúc thức ăn mà không cần mẹ hỗ trợ. Cũng như các giai đoạn trước, nếu thấy bé quấy khóc, ngủ không ngon hay thấy người mệt mỏi, mẹ cần xem lại chế độ ăn của bé, có thể bé vẫn chưa được ăn đủ với nhu cầu của mình.

Việc hiểu rõ các giai đoạn phát triển kỹ năng ăn dặm của bé sẽ giúp mẹ chăm em dễ dàng và hiệu quả hơn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các mẹ trong quá trình nuôi con.

Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí
Bài viết liên quan
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật nhất định mẹ phải nắm rõ
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp được nhiều bà mẹ Việt quan tâm bởi nó mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho bé. Phương pháp này vừa giúp bé học cách ăn thức ăn thô sớm hơn, ăn nhạt
Thời điểm nào mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm?
Ăn dặm cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên rất nhiều mẹ bỉm sữa băn khoăn không biết khi nào cho bé ăn dặm. Cho bé ăn dặm ra sao để hấp thụ dưỡng
Xem thêm
Đăng ký nhận tin
Đăng ký nhận tin
Gửi
Tải app Babiuni miễn phí để được hỏi đáp trực tiếp với chuyên gia
Tải app Babiuni miễn phí để được hỏi đáp trực tiếp với chuyên gia
chplayios store