Bảo quản sữa mẹ không đúng cách có thể khiến sữa mẹ bị hỏng, quá hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại làm rối loạn hệ tiêu hóa của trẻ. Vậy bảo quản như thế nào để đảm bảo vệ sinh và giữ nguyên chất dinh dưỡng cho tới khi bé uống? Nếu mẹ đang có băn khoăn trên và lúng túng trong việc lưu trữ sữa thì hãy tìm câu trả lời tại bài viết sau đây nhé!
Cách lưu trữ bảo quản sữa mẹ
Đã miệt mài để tạo sữa, vắt sữa đúng cách, nếu lưu trữ và bảo quản không đúng cách sẽ khiến bao công sức của mẹ đổ sông, đổ bể. Để lưu trữ sữa mẹ một cách an toàn, mẹ hãy thực hiện theo hướng dẫn và lưu ý dưới đây:
Trước khi vắt sữa
Yếu tố vệ sinh là yếu tố cần lưu ý hàng đầu không chỉ trong khâu bảo quản mà còn từ khâu vắt và lấy sữa, mẹ hãy nhớ:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng, có thể dùng dung dịch sát khuẩn chứa 60% cồn để thay thế.
- Nếu sử dụng máy hút sữa, mẹ cần kiểm tra dụng cụ bơm, hút ống dây một cách kỹ lưỡng.
- Thay thế ngay nếu các ống có dấu hiệu mốc hoặc thiếu vệ sinh.
- Làm sạch nút bấm, công tắc, bề mặt máy bằng dung dịch sát khuẩn.
Trong quá trình vắt
- Không dùng tay trực tiếp chạm vào sữa.
- Nếu có nước, dung dịch lạ rơi vào thì phải bỏ sữa đang vắt đi ngay.
- Vắt sữa liền mạch để đảm bảo vệ sinh.
Sau khi vắt sữa
- Lưu trữ sữa mẹ vào túi nhựa chuyên dụng hoặc bình đựng có nắp kín đậy chặt. Không dùng chai nhựa có kí hiệu tái chế số 7 vì vật liệu có thể chứa chất BPA gây hại cho cơ thể
- Không lưu trữ sữa mẹ trong các chai nhựa 1 lần hoặc các bình, dụng cụ không dành riêng cho việc chứa sữa mẹ.
Thời gian lưu trữ sữa mẹ sau khi vắt
- Ở nhiệt độ phòng: Không quá 6 giờ, nên dùng trong 4 giờ đổ lại.
- Trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 độ C: Không quá 4 ngày.
- Trong ngăn đá tủ đông (-18 độ C hoặc hơn): Tốt nhất là khoảng 6 tháng, nhưng cũng có thể lưu trữ trong thời hạn lên đến 12 tháng.
Lưu ý dùng sữa trữ đông
- Nếu sữa mẹ đã rã đông thì hãy cho bé dùng trong vòng 1 - 2 tiếng sau khi rã hoặc 1 ngày với điều kiện tủ ngăn mát, không được trữ đông lại lần nữa.
- Nếu bé không bú hết bình thì cần dùng nốt trong vòng 2 giờ, không uống hết thì mẹ cần bỏ đi luôn.
- Nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc trữ đông càng lâu thì vitamin C trong sữa sẽ mất càng nhiều. Ngoài ra, sữa mẹ từ giai đoạn sơ sinh sẽ không đáp ứng đủ hoàn toàn nhu cầu của bé khi được vài tháng tuổi. Vì vậy mẹ không nên để sữa trữ quá lâu, nên sử dụng trước 6 tháng.
Mẹo lưu trữ và bảo quản sữa mẹ
- Để không nhầm lẫn về các bịch sữa mới vắt, vắt lâu, mẹ nhớ ghi rõ ngày vắt và dán vào bình đựng/túi trữ sữa.
- Không nên trữ sữa mẹ trong tủ đông thông thường vì nhiệt độ có thể thay đổi khi mẹ đóng và mở cửa. Cần để ở nơi sâu nhất trong tủ trữ sữa và hạn chế di chuyển trừ khi lấy ra dùng.
- Nếu đã xác định không dùng phần sữa mới vắt trong 4 ngày tới, mẹ hãy cấp đông ngay để bảo quản dinh dưỡng trong sữa.
- Mỗi túi trữ chỉ nên có số lượng vừa đủ cho mỗi cữ để tránh rã đông xong không sử dụng hết.
- Khi trữ sữa mẹ cần chừa một diện tích nhỏ, không nên đổ đầy vì sữa sẽ nở ra khi đóng băng.
- Nếu đi du lịch, mẹ có thể bảo quản sữa mẹ trong thùng cách nhiệt với túi đá lạnh trong tối đa 24 giờ.
Việc trữ bảo quản sữa mẹ rất tiện lợi để mẹ có thể đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng bất cứ khi nào con cần, kể cả trong những chuyến đi chơi xa. Tuy nhiên, để đảm bảo con lớn nhanh, khỏe mạnh và không có vấn đề về đường tiêu hóa thì mẹ nhớ tuân thủ nghiêm túc quy tắc bảo quản và trữ sữa đã nêu trên nhé!
Tải Babiuni - Được tư vấn chăm sóc trẻ bởi chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu: Tải App miễn phí